ĐBQH Ma Thị Thúy đề nghị không đặc xá cho tội phạm ma túy và đánh bạc

Thứ Năm, 8/11/2018 - 16:39 Đã xem: 214

Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật đặc xá sửa đổi. Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu góp ý cho dự án luật này.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH
tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội trường.

      Trước Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thúy thể hiện sự thống nhất cao với báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có những ý kiến của các ĐBQH và đoàn đại biểu Quốc hội góp ý để hoàn thiện dự án luật. Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Ma Thị Thúy thể hiện sự quan tâm tới một số vấn đề như các điều kiện để được đề nghị đặc xá quy định tại điều 11. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng điều kiện để được đề nghị đặc xá cần bổ sung thêm như: “xem xét đặc xá đối với những trường hợp đã được tha tù trước thời hạn có điều kiện” để tạo điều kiện cho người được tha tù trước thời hạn có nhiều cơ hội việc làm, hòa nhập cộng đồng và đảm bảo cho những đối tượng này không bị thiệt thòi.
      Tại điểm đ, khoản 1, đại biểu Thúy đề nghị bổ sung thêm nội dung “và người được đặc xá phải viết cam kết chấp hành pháp luật”. Vì đây là cơ sở để ràng buộc và quản lý người được đặc xá; đồng thời qua công tác này để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người được đặc xá khi trở về địa phương. Cùng với đó tại điểm đ, khoản 1 cần quy định rõ những người khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và người được đặc xá phải viết cam kết chấp hành pháp luật. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung đối tượng được đặc xá là “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào sau cụm từ người có thành tích trong xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động. Vì, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là danh hiệu vinh dự được Nhà nước phong tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội do đó cần thêm đối tượng này để thể hiện tính nhân văn và sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
      Đối với các trường hợp không được đề nghị đặc xá được quy định tại điều 12, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng không được đề nghị đặc xá là: “Phạm nhân đã bị truy nã loại nguy hiểm trở lên không tự ra đầu thú, bị bắt”. Vì từ tình hình thực tế, nhiều người phạm tội sau khi bị phát hiện có xu hướng trốn tránh sự trừng phạt của Pháp luật đã bỏ trốn phải truy nã. Công tác truy bắt đối tượng mất rất nhiều thời gian, công sức, ngân sách nhà nước, tính mạng và sức khỏe của các lực lượng truy bắt cũng như việc gây mất trật tự an toàn xã hội do các đối tượng có quyết định truy nã gây ra. Việc không đề nghị đặc xá đối tượng trên nhằm phân hóa nhóm phạm nhân này với các phạm nhân khác, đảm bảo tính công bằng cho những đối tượng là người có án phạt tù có ý thức tự giác với nghĩa vụ chấp hành án. Mặt khác làm thay đổi nhận thức của các đối tượng còn đang bị truy nã có động lực ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, từ đó góp phần vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
      Cùng với đó, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, cần bổ sung thêm vào Khoản 1, điều 12 quy định đối tượng không được đề nghị đặc xá đó là: “Các tội phạm về ma túy và các tội phạm liên quan đến đánh bạc”. Khoản 1 điều 12 của dự thảo luật sửa đổi quy định đối tượng không được đề nghị đặc xá là những người bị kết án phạt tù về một trong các tội quy định tại các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 299 và một trong các tội quy định tại Chương 26 của bộ luật Hình sự. Đại biểu Thúy cho hay, theo các điều 108 - 112, cũng như điều 299, quy định về các tội phản bội Tổ quốc, lật đổ chính quyền, gián điệp, xâm phạm an ninh quốc gia, bạo loạn và tội khủng bố chống chính quyền nhân dân, nhưng chưa có quy định về tội phạm ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc. Loại tội phạm này ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức thủ đoạn rất tinh vi xảo quyệt và ngày càng manh động hơn.
      Đại biểu Thúy nhấn mạnh: Tội phạm về ma túy và các tội phạm liên quan đến đánh bạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm khác. Khả năng hoàn lương, tiến bộ của các loại đối tượng này khi trở về địa phương là rất thấp. Sau khi trở về địa phương thường gây mất trật tự an ninh tại nơi cư trú. Trong số tái phạm chủ yếu tập trung vào số đối tượng này, mặc dù trong thời gian chấp hành án thì họ có thể cải tạo tốt nhưng ngay bản thân họ cũng có nhiều người thừa nhận khó từ bỏ con đường phạm tội cũ. Việc đặc xá cho những đối tượng này nếu họ tái phạm sẽ ảnh hưởng tới chính sách đặc xá của Nhà nước, làm mất đi tính nghiêm minh của Pháp luật. Trong các đợt đặc xá đã qua, cũng đã có quy định nội dung này nhưng là Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ. Do vậy đề nghị Quốc hội xem xét đưa nội dung này quy định trong Luật để áp dụng trong tất cả các đợt xét đặc xá.
      Đối với những người đang thi hành án treo quy định tại điều 22, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, đây thực chất là người không phải chấp hành hình phạt tù, mà là người được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, họ buộc phải chịu một thời gian thử thách nhất định, hơn nữa đã được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trong thời gian chấp hành thời hạn thử thách án treo tại địa phương nơi cư trú hoặc nơi công tác, nếu họ thực sự chấp hành tốt chính sách pháp luật Nhà nước thì họ được rút ngắn thời gian thử thách án treo; ngược lại trong thời gian thử thách, họ cố ý vi phạm nghĩa vụ thi hành án, hoặc phạm tội mới thì họ phải chấp hành hình phạt tù của bản án treo và phải chịu hình phạt tù của tội mới đã phạm. Đối tượng này cần để cho họ trải qua một thời gian thử thách nhất định, để cho UBND nơi cư trú hoặc cơ quan chủ quản giám sát, giáo dục họ trở thành công dân tốt. Không nên coi là trường hợp đặc biệt để xét đặc xá theo điều 22 của dự thảo Luật.
      Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng Luật sửa đổi, cũng như luật hiện hành không có quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá. Việc thử thách đối với người được đặc xá là cần thiết, đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật, do đó đề nghị bổ sung quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách; chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng như quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015.

                                                                                                                                Theo Báo TQĐT

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 998 | Trang: 1 trên tổng số 100 trang  
Xem tin theo ngày:   / /